Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

Bộ trưởng Bộ Xây Dựng thông báo "Thị trường BDS đang hồi phục"

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định, thị trường bất động sản sau một thời gian dài đóng băng, thì trong năm 2013, đặc biệt những tháng gần đây, đã có những chuyển động rất tích cực, giao dịch tăng lên, đặc biệt phân khúc nhà ở có quy mô trung bình và quy mô nhỏ, giá thấp, nguồn cung thiếu so với cầu.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trình Quốc hội trước đó, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008 - 2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Theo đó, hầu hết các dự án đã giảm từ 10 - 30% giá bán, đặc biệt có một số dự án, như dự án Sunrise City của Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc NoVa, dự án Everrich 3 của Công ty Phát Đạt tại TP. Hồ Chí Minh đã giảm giá tới gần 50% so với giá bán tại thời điểm “nóng” cách đây hơn 2 năm.

Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng đã có phản ứng tích cực, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, niềm tin vào thị trường đang dần được hồi phục, phân khúc nhà ở xã hội và những căn hộ có diện tích nhỏ được người dân quan tâm và đã có nhiều giao dịch thành công hơn trước. Nhất là phân khúc căn hộ chung cư có diện tích nhỏ, đã hoàn thiện, vị trí thuận lợi, giá dưới 15 triệu đồng/m2 vẫn có tính thanh khoản cao, giao dịch có chiều hướng tăng.



Điều đó khẳng định chính sách của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã trúng và từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, thị trường bất động sản còn rất khó khăn do khả năng của nền kinh tế còn khó khăn. Giá bất động sản thời gian qua giảm mạnh, do giá thời kỳ bất động sản nóng là giá ảo, cho nên thời kỳ này bắt buộc phải giảm giá đối với sản phẩm bất động sản để trả lại giá trị thực của bất động sản. Đồng thời, nhà đầu tư cũng phải giảm giá để tăng giao dịch sản phẩm bất động sản, trong đó, tiết giảm chi phí không cần thiết, đặc biệt là vật liệu cao cấp được thay thế bằng vật liệu trong nước... Ngoài ra, các chủ đầu tư đã tích cực chủ động trong việc maketing bán hàng, khuyến mại, điều chỉnh cơ cấu căn hộ, giao sản phẩm căn hộ xây thô để khách hàng tự hoàn thiện... nhằm hạ giá bán để thu hút khách hàng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong thời gian tới chắc chắn bất động sản được giao dịch tốt hơn, do giá bất động sản ngày càng phù hợp hơn với khả năng mua của người dân. Chắc chắn thị trường bất động sản từng bước được hồi phục.

Nhận định này của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng trùng khớp với các dự báo trước đó của các chuyên gia bất động sản. Báo cáo của Savills Việt Nam về thị trường bất động sản trong quý III/2013 cho thấy, tại Tp.HCM, giao dịch trên thị trường chung cư tăng 52% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường là 12%. Giao dịch chủ yếu trên thị trường là căn hộ hạng C trong khoảng giá từ 12 - 17 triệu đồng/m2. Còn tại Hà Nội, giao dịch trên toàn thị trường đạt 9%, do tình trạng hoạt động tốt của các dự án có tiến độ thi công tốt, giá chào bán thấp hơn và nhiều chương trình khuyến mại. Trong đó, phân khúc căn hộ hạng C vẫn tiếp tục là sản phẩm chính của thị trường với tỉ lệ hấp thụ đạt 15%.

Gói 30.000 tỷ đồng: Nhanh nhưng phải đúng

Một trong những vấn đề trong Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng tối 17/11 được dư luận quan tâm là sự chậm trễ trong việc giải ngân gói hỗ trợ để biến ước mơ sở hữu của nhiều người có thu nhập thấp trở thành hiện thực.

Thống kê cho thấy, tới thời điểm này, tại Tp.HCM mới có 210 khách hàng cá nhân được tiếp cận vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Cụ thể, mới có 49 tỷ đồng được giải ngân trong tổng giá trị vay là 120 tỷ đồng. Theo nhận định của Sở Xây dựng Tp.HCM, nhu cầu mua nhà ở xã hội của các đối tượng người có thu nhập thấp, đặc biệt là các cán bộ, công nhân viên chức,... hiện rất lớn. Tuy nhiên, các đối tượng này rất khó tiếp nhận với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Trong đó, để đủ điều kiện vay vốn ưu đãi thì các đối tượng phải đảm bảo đạt thu nhập từ 9 - 12 triệu đồng/tháng để đảm bảo điều kiện trả nợ. Tuy nhiên, mức thu nhập này hầu như nằm ngoài tầm với của đối tượng người có thu nhập thấp.

Ngoài ra, khi xem xét cho vay thì các ngân hàng thương mại "soi” rất kỹ khả năng trả nợ của các đối tượng thuộc diện ưu đãi. Trong khi đó khả năng thu nhập của nhóm đối tượng này đang nằm dưới mức đủ khả năng trả nợ khiến các ngân hàng rất dè dặt trong xét duyệt. Bên cạnh đó, việc chưa có quy định cụ thể về thủ tục công chứng đối với hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai cũng khiến các văn phòng công chứng cũng “ngại” công chứng các loại hợp đồng văn phòng cho thuê quận 3 như hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở. Muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70 m2 trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Cả nước hiện nay cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện nay cung nhà ở xã hội không thể nhanh được vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn. Thứ hai, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Thứ ba, thủ tục, yêu cầu để giải ngân gói 30.000 tỷ này là bắt buộc.

“Vì nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước, dư luận không đồng tình nhưng không phải vì làm chặt mà chậm tiến độ. Tôi rất đồng tình, những ai có nhu cầu mua nhà thì phải được hỗ trợ trong gói 30.000 tỷ này. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Xây dựng, các địa phương mà cả các ngân hàng phải vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chia sẻ.

Về vùng bão lũ miền Trung, Chính phủ đã chủ động đề ra các giải pháp, trong đó có Đề án hỗ trợ nhà tránh lũ cho các hộ nghèo ở 14 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ cho 40.000 hộ nghèo xây nhà tránh lũ. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này đang được thực hiện và Chính phủ đang cân nhắc nguồn ngân sách để hỗ trợ. Còn hộ cận nghèo, khó khăn về nhà ở, cũng có ý kiến cần mở rộng đối tượng cho vay hoặc hỗ trợ thêm thì Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để có giải pháp kiến nghị với Chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét